Chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết. Suốt nhiều ngày qua, cả nước đã bước vào "ngày hội dọn nhà toàn dân" với bao nỗi ám ảnh về việc lau chùi từng chiếc bàn ghế gỗ hay quét bụi hàng tá thanh hoa cửa sổ.
Thế nhưng có một nỗi khổ cũng ám ảnh không kém, đặc biệt đối với những ai đang làm việc và học tập xa nhà, đó chính là việc đi xe khách về quê!
Gần ngày Tết, cư dân mạng đồng loạt chia sẻ những hình ảnh chen chúc kinh hoàng trên những chuyến xe khách về quê - Ảnh: Facebook
Những ngày cuối năm, nhiều chuyến xe khách rơi vào tình trạng quá tải do người dân từ các thành phố lớn kéo nhau về quê, tạm nghỉ ngơi sau những tháng ngày học tập và làm việc. Trên những chuyến xe này, số khách thậm chí còn gấp đôi số lượng ghế ngồi, hành khách phải ngồi chen chúc lẫn nhau, thậm chí có người còn chấp nhận đứng trên xe để có thể về nhà sớm nhất.
"Tôi ngồi hơn 400km để về nhà" - Hình ảnh về 1 chuyến xe đông đúc được cư dân mạng chia sẻ.
Không còn chỗ ngồi, nhiều hành khách chấp nhận đứng để có thể về nhà sớm nhất - Ảnh: Facebook
Có lẽ phải có mặt trên những chuyến xe Tết mới có thể hiểu được không khí ngột ngạt, chật chội khủng khiếp đến thế nào. Những chiếc xe giường nằm, 1 giường nhưng lại 2-3 người ngồi lên, chân co chân duỗi cho đủ chỗ.
Nhưng được ngồi trên giường còn là 1 điều may mắn khi những hành khách đến muộn hơn còn phải ngồi ở lối đi giữa các hàng ghế của xe. Hàng chục chiếc ghế nhựa xếp san sát nhau đến chỗ để chân cũng "khiêm tốn", bất kể người già hay trẻ em đều ngồi như vậy, hiếm khi có sự ưu tiên.
Nếu không có ghế nhựa, hành khách được nhà xe bố trí cho ngồi bệt xuống giữa lối đi. Thế là người quay trái, người quay phải, người duỗi chân, người co gối... làm gì cũng được, miễn sao cho đủ chỗ. Mới đầu ngồi thì sẽ không sao, nhưng khi yên vị hồi lâu những cơn đau mỏi xuất hiện, khi đó "cực hình" mới thực sự bắt đầu.
Ảnh: Facebook
Hành khách kẻ ngồi, người nằm la liệt ở lối đi giữa 2 hàng ghế - Ảnh: Facebook
Cảnh tượng chen chúc nhìn thôi đã thấy nghẹt thở - Ảnh: Facebook
Ảnh: Facebook
Chị Hạnh Nguyễn (Thái Bình) chia sẻ: "Mình từ Hà Nội về quê, ngày thường đi xe chỉ mất 3 tiếng nhưng ngày Tết đông đúc, tắc đường có khi 5 tiếng mới về được đến nhà. Ngồi trên xe từng đấy thời gian mà không thể đổi tư thế, không thể duỗi chân, lưng còn không được dựa thì mỏi vô cùng".
"Nhà mình còn ở tận Hà Tĩnh, không tiện đi tàu hỏa nên mỗi lần về quê đều phải đi xe khách. 8 tiếng trên xe không thể nào thở bằng mũi được vì quá ngột ngạt, cứ phải thở bằng miệng. Mình lại còn bị say xe, lần nào ngồi cạnh người xức nước hoa hoặc bôi dầu gió thì chắc chắn nôn bằng sạch" - bạn M.Nhân (Hà Tĩnh) cũng tâm sự.
Sự đông đúc quá tải cũng khiến việc di chuyển trên xe vô cùng khó khăn. Để có thể vào được phía bên trong của xe, nhiều người phải trèo như "người nhện" qua đầu người khác.
Hành khách trèo qua đầu nhau để di chuyển trên xe - Ảnh: Facebook
Nếu đã ngồi thì gần như không thể thay đổi tư thế vì quá chật chội - Ảnh: Facebook.
Ảnh: Facebook
Không chỉ mang nỗi sợ hãi chen chúc trên những chuyến xe, hành khách còn phải đối mặt với việc phải xếp hàng mua vé xe. Ngoài ra, giá vé xe có thể tăng nhiều lần khiến nhiều người lo lắng - Ảnh: Soha.vn
Đi lại dịp Tết thế nào cho thuận tiện luôn là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Giao thông, lãnh đạo Sở GTVT TP HCM khẳng định: “Sở đã chỉ đạo các bến xe phải chuẩn bị đầy đủ xe phục vụ người dân về quê đón Tết một cách chu đáo, an toàn nhất. Tuyệt đối không để bất cứ một hành khách nào không có xe về quê”.
Trong khi đó, theo thông tin từ báo An ninh Thủ đô, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội cam kết không để hành khách phải thiếu vé hay bị tăng giá vé trong dịp Tết Nguyên đán 2019.
"Nhà xe nào tự ý tăng giá vé sẽ xử lý nghiêm. Sở GTVT Hà Nội đã cung cấp đường dây nóng là số điện thoại cá nhân của lãnh đạo Sở. Do đó, thấy nhà xe tăng giá, nhồi nhét, hành khách hãy gọi điện và phản ánh để chúng tôi xử lý kịp thời", ông Viện khẳng định.
Tổng hợp
Admin
Link nội dung: https://buycookiesonline.eu/co-mot-noi-am-anh-ngay-tet-mang-ten-di-xe-khach-ve-que-1736148911-a3569.html