Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em mà bố mẹ nên biết

Admin
Sốt phát ban là một bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ với khả năng lây lan nhanh chóng. Người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng nổi ban đỏ khiến bố mẹ dễ nhầm lẫn với các bệnh khác dẫn tới việc điều trị sai, không hiệu quả, dễ gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là một số hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em mà bố mẹ nên biết để có thể nhận biết và điều trị phù hợp.

Triệu chứng của sốt phát ban thường dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác như viêm da cơ địa, rôm sảy… Nếu bệnh lý này không được điều trị đúng cách sẽ dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Đây là một tình trạng phổ biến ở trẻ em mà các bậc phụ huynh cần quan tâm. Việc nắm rõ những thông tin cơ bản nhất đặc biệt là những hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em mà bố mẹ nên biết sẽ hỗ trợ nhiều trong quá trình chăm sóc con trẻ.

Sốt phát ban ở trẻ em là gì?

Sốt phát ban là bệnh lý nhiễm trùng do nhiều loại virus gây ra, chẳng hạn như virus sởi, rubella… Người bệnh sẽ bị nổi các chấm nhỏ màu đỏ trên da, cơ thể bị nóng sốt. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 - 36 tháng, trẻ có sức đề kháng kém. Tình trạng này phổ biến đến mức hầu hết các bé đều sẽ bị mắc phải ít nhất một lần trong đời, thậm chí có nhiều bé bị mắc bệnh vài lần.

hinh-anh-sot-phat-ban-o-tre-em-ma-bo-me-nen-biet 1.jpg
Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em dễ bị nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác

Sốt phát ban chủ yếu lây lan qua đường hô hấp, do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp của người bệnh khi nói chuyện, hắt hơi. Chính vì thế bệnh rất dễ lây lan trong cộng động, môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi,… Thời gian ủ bệnh thường kéo dài khoảng 7 ngày, sau đó trẻ có thể xuất hiện một số triệu chứng sau:

  • Sốt nhẹ hoặc cao (trên 38,5 độ C).
  • Ban đỏ có thể xuất hiện trong khoảng 12 - 24 giờ sau khi sốt. Vị trí thường bắt đầu mảng phát ban là ở ngực, lưng và bụng, sau đó có thể lan ra cổ, mắt, cánh tay, chân. Ban đỏ có thể xuất hiện dưới dạng nhiều nốt nhỏ hoặc tạo thành các mảnh nhỏ màu hồng đỏ, có viền trắng xung quanh, phẳng hoặc sần sùi nhẹ. Triệu chứng này thường kéo dài khoảng 3 - 5 ngày rồi mờ dần và lặn hẳn mà không để lại sẹo.
  • Trẻ cảm thấy mệt mỏi, mắt đỏ, chảy nước mũi, quấy khóc, bỏ ăn, tiêu chảy nhẹ, rối loạn tiêu hoá, đau họng, sưng...

Tùy vào thể trạng của mỗi bé mà sẽ có những biểu hiện bệnh khác nhau. Có nhiều trường hợp bé sẽ xuất hiện đầy đủ các triệu chứng trên, ngược lại có những bé chỉ xuất hiện ban đào nhẹ, không có triệu chứng rõ ràng. Trong hầu hết các trường hợp sốt phát ban, đến ngày thứ 4 trở về sau các triệu chứng sẽ dần biến mất và trẻ có thể ăn uống bình thường.

Các triệu chứng sẽ biến mất hoàn toàn, các nốt ban sẽ không để lại vết thâm nếu trẻ được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu trong lúc phát ban mà để xảy ra nhiễm khuẩn thì các nốt ban này sẽ dễ bị lở loét và để lại sẹo. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị đúng cách bệnh sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, suy dinh dưỡng nặng, viêm giác mạc dễ dẫn đến mù lòa,… đặc biệt là ở những bé có hệ miễn dịch yếu, trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc trẻ dưới 12 tháng tuổi.

Hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em

Tuỳ theo thời điểm và nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có những triệu chứng phát ban khác nhau. Bố mẹ cần đặc biệt lưu ý để có thể phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị đúng cách cho bé, tránh những biến chứng không mong muốn. Dưới đây là một số hình ảnh sốt phát ban ở trẻ mà bố mẹ nên biết:

Sốt phát ban ở trẻ mắc bệnh sởi

Thông thường, sốt phát ban do mắc bệnh sởi thì các nốt sởi sẽ xuất hiện đầu tiên ở sau tai, lan dần qua hai bên má rồi xuống cổ, ngực và hai cánh tay. Trong khoảng thời gian khoảng 24 giờ tiếp theo, các nốt sởi có thể sẽ tiếp tục lan rộng xuống lưng, hông, chân. Ban đầu, các nốt ban này thường có màu hồng nhạt, rồi đỏ dần lên, gây ngứa, tăng thân nhiệt cơ thể và cảm thấy khó chịu.

Nếu chỉ là sốt phát ban đơn thuần thì trẻ sẽ bị sốt, các nốt ban sẽ xuất hiện đồng loạt trên da và khi lặn thì sẽ không để lại dấu vết gì. Thế nhưng sốt phát ban do virus sởi sẽ đặc trưng hơn, các nốt ban sẽ xuất hiện dần từ trên xuống dưới, khi lặn cũng lặn theo thứ tự nổi và để lại vết thâm trên da sau khi chúng biến mất.

Sốt phát ban ở trẻ mắc thuỷ đậu

Khi mắc thuỷ đậu, các nốt ban sẽ xuất hiện trong vòng 24 - 48 giờ sau khi bị sốt. Các nốt ban do thuỷ đậu có đường kính vài milimet, ban đầu chỉ là ban dát đỏ, sau đó sẽ tiến triển thành các nốt mụn nước trong nằm trên bề mặt da. 

Trong khoảng 24 - 48 giờ tiếp theo sẽ chuyển sang màu vàng, nổi trên bề mặt da khoảng 2 mm. Nốt ban mọc rải rác khắp cơ thể, thậm chí có thể mọc ở chân tóc và trong miệng, tuy nhiên sẽ không mọc ở trong lòng bàn tay hoặc bàn chân. Sau khoảng 4 - 6 ngày, các nốt mụn nước này sẽ tự khô, đóng vảy rồi bong ra sau khoảng 1 tuần mà không để lại sẹo nếu không bị lở loét hay bội nhiễm.

hinh-anh-sot-phat-ban-o-tre-em-ma-bo-me-nen-biet 2.jpg
Sốt phát ban do thuỷ đậu, các nốt ban sẽ có nước ở bên trong và nổi trên bề mặt da

Sốt phát ban ở trẻ bị sốt xuất huyết

Phát ban do sốt xuất huyết thường xuất hiện từ 3 - 4 ngày sau khi sốt, có dạng dát sẩn đa hình dạng. Các nốt ban có thể sẽ thuyên giảm sau 1 - 2 ngày nhưng vẫn có thể bị nổi lại vào những ngày sau đó. Nổi ban do sốt xuất huyết sẽ xuất hiện đầu tiên ở trên thân rồi lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, lòng bàn tay, lòng bàn chân và mặt.

Để phân biệt ban đỏ do sốt phát ban hay do sốt xuất huyết, bố mẹ có thể dùng hai ngón tay kéo căng trên vùng da nổi ban hoặc những vùng bị xung huyết. Nếu ban đỏ không bị mất đi sau khi da bị kéo căng thì đây là dấu hiệu của sốt xuất huyết. Ngược lại, nếu ban đỏ mất đi và xuất hiện lại ngay khi bỏ tay ra thì đây là ban do sốt phát ban. Tuy nhiên, để chắc chắn về tình trạng bệnh tình của bé, bố mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho bé từ khi còn nhỏ, bố mẹ hãy nhanh chóng đăng ký tiêm vắc xin sốt xuất huyết tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, giúp bảo vệ sức khỏe cho bé và gia đình.

Sốt phát ban do trẻ bị sốt tinh hồng nhiệt

Sốt tinh hồng nhiệt là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus gây ra với triệu chứng đặc trưng là những chấm màu hồng đỏ, bóng trên cơ thể. Đối tượng thường gặp nhất là trẻ nhỏ từ 4 - 8 tuổi. Người mắc bệnh sẽ bị sốt đột ngột, đau bụng, mệt mỏi, đau họng, nổi hạch cổ, sưng to, buồn nôn, nôn, đau đầu, chán ăn, lưỡi bị sưng đỏ như dâu tây…

Thông thường, trẻ sẽ phát ban đỏ sau 3 ngày bị sốt, bắt đầu ở dưới tai, cổ, ngực, nách và háng, sau 24 giờ sẽ lan dần qua các vùng khác. Nốt ban có dạng cát khô, kích thước nhỏ, đồng đều, thường tập trung thành các mảng, khi sờ vào sẽ có cảm giác như tờ giấy nhám.

Sốt phát ban ở trẻ do mắc tay chân miệng

Trẻ bị mắc tay chân miệng bị nổi các nốt ban nhỏ, hơi đỏ, ban đầu sẽ phẳng rồi mới dần rộp lên, có nước ở bên trong, khi lành sẽ không để lại sẹo. Khác với các nốt ban do thuỷ đậu gây ngứa và nhức thì nốt ban do tay chân miệng sẽ không đau, không ngứa.

hinh-anh-sot-phat-ban-o-tre-em-ma-bo-me-nen-biet 3.jpg
Nốt ban do tay chân miệng thường không gây đau, không ngứa

Cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

Trẻ bị sốt do ban thì quá trình chăm sóc sẽ là một trong những yếu tố quyết định trong hành trình điều trị bệnh, bố mẹ cần lưu ý chăm sóc trẻ theo những hướng dẫn dưới đây:

  • Khi trẻ bị sốt trên 38 độ C nên cho bé uống thuốc hạ sốt với liều lượng tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Hỗ trợ hạ nhiệt cơ thể của bé bằng khăn ấm, lau vùng nách, bẹn, bàn tay…
  • Nới rộng quần áo cho bé, nên mặc những trang phục thông thoáng, thấm hút mồ hôi và thoải mái.
  • Ăn những đồ ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hoá… Bổ sung nhiều nước cho bé, nếu bé vẫn bú sữa mẹ thì hãy tăng cữ bú và lượng sữa cung cấp cho bé.
  • Giữ cho da bé luôn sạch sẽ, khô thoáng, hạn chế gió và nước.
  • Chú ý chăm sóc và quan sát triệu chứng của bé, nếu có dấu hiệu bất thường như sốt cao không hạ, lừ đừ, li bì, co giật, hôn mê, khó thở, thở nhanh gấp hoặc bệnh tình không chuyển biến tốt sau 3 ngày… Hãy nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để kịp thời xử lý và điều trị đúng cách.
hinh-anh-sot-phat-ban-o-tre-em-ma-bo-me-nen-biet 4.jpg
Bố mẹ cần chăm sóc trẻ bị sốt phát ban đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm

Mặc dù sốt phát ban là bệnh lý phổ biến, sẽ không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị đúng cách. Mong rằng với những hình ảnh sốt phát ban ở trẻ em mà bố mẹ nên biết, sẽ giúp cho các bậc phụ huynh có thêm kiến thức trong việc chăm sóc con trẻ, nhanh chóng phát hiện bệnh và xử trí đúng cách. Khi có dấu hiệu bất thường, bố mẹ đừng nên chủ quan, hãy đưa con đến gặp các bác sĩ để được thăm khám và tư vấn, từ đó giúp quá trình chăm sóc bé tốt hơn.

Xem thêm:

  • Sốt phát ban ở người lớn bao lâu thì khỏi? Cách điều trị?
  • Sốt phát ban có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?
Admin

Hợp tác truyền thông, quảng cáo (0965.23.2222)